NHÂN QUYỀN BẬC 1:

QUYỀN TỰ DO THÂN THỂ

Một số quyền tự do thân thể được coi là bất khả xâm phạm, không thể bị tước đoạt hay đình chỉ thi hành dầu có chiến tranh hay khẩn trương công cộng, như quyền sống, quyền tự do không bị nô lệ hay nô dịch, không bị tra tấn hành hạ, không bị giam giữ vì thiếu nợ, quyền bình đẳng trước pháp luật, quyền không bị kết án do những hành động không cấu thành tội hình sự chiếu theo luật pháp quốc gia hay luật pháp quốc tế (trong đó có Luật Quốc Tế Nhân Quyền).

Công Ước Dân Sự Chính Trị chi tiết hóa những quyền tự do thân thể ghi trong Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền:

1) Quyền Sống (Right to Life) (điều 3 TNQTNQ và điều 6 CUDSCT).

Là quyền thiết yếu nhất của con người được luật pháp bảo vệ chống lại mọi hành động sát nhân độc đoán

Con người được bảo vệ quyền sống từ khi mới thụ thai.

Chế độ án tử hình được bãi bỏ hay hạn chế tối đa; chống nạn diệt chủng tập thể; không được tuyên án tử hình đối với các thiếu nhi dưới 18 tuổi, và các phụ nữ mang thai. Các bị cáo bị tuyên án tử hình có quyền xin ân xá, ân giảm hay hoán cải hình phạt. Các quốc gia đã bãi bỏ án tử hình không được tái lập chế độ này.

2) Quyền Không Bị Tra Tấn (Freedom from Torture) (điều 5 TNQTNQ và điều 7 CUDSCT).

Quyền này áp dụng cho mọi người, không bị tra tấn về thân thể, không bị hành hạ về tinh thần và tâm trí khi bị bắt giữ. Không bị những hình phạt tàn ác, vô nhân đạo làm tổn thương nhân phẩm khi bị kết án và giam giữ. Hình phạt chỉ được áp dụng cho kẻ phạm tội, không liên lụy đến gia đình. Các bị cáo chờ tòa xử phải được đối xử như những người chưa can án. Hình phạt tước đoạt tự do (phạt tù) phải nhằm mục đích cải hóa để tù nhân có thể trở về cuộc sống bình thường sau khi được trả tự do.

3) Quyền Không Bị Làm Nô Lệ (Freedom from Slavery) (điều 4 TNQTNQ, điều 8 CUDSCT)

Không ai có thể bị bắt làm nô lệ hay nô dịch. Cấm tổ chức buôn bán phụ nữ và gái vị thành niên. Không ai bị làm công việc khổ sai nếu không có án tòa hợp lệ. Trong mọi trường hợp, công việc khổ sai không được làm tổn thương đến phẩm giá và phương hại đến khả năng thể chất hay tinh thần của tù nhân. Các tù nhân chính trị hay tù nhân lương tâm phải được đối xử nhân đạo, chăm sóc sức khỏe, không bị kết án tù khổ sai. Các hội bảo vệ nhân quyền quốc tế như Hội Ân Xá Quốc Tế, Hội Quan Sát Á Châu, Ủy Ban Luật Gia Quốc Tế, Hội Nhân Quyền Quốc Tế v.v... là những tổ chức phi chính phủ đứng ra đấu tranh đòi phóng thích các tù nhân lương tâm bị giam giữ chỉ vì họ có lập trường hay tư tưởng chống lại chính sách của nhà cầm quyền.

4) Quyền Tự Do Nhân Thân (Right to Personal Liberty) (điều 9 TNQTNQ và điều 11, 14 khoản 6 CUDSCT)

Ai cũng có quyền tự do nhân thân và an toàn thân thể. Không ai có thể bị bắt giữ và giam cầm độc đoán. Khi bị bắt giữ để điều tra, bị cáo được quyền thông báo lý do hay tội trạng bị trách cứ. Bị cáo phải được dẫn giải không chậm trễ tới toà án để xét xử theo luật trong một thời gian hợp lý, hay để được toà án phóng thích vô điều kiện, hay được tại ngoại có thế chân. Những ai bị giam giữ đều có quyền yêu cầu toà án có thẩm quyền xét xử, để yêu cầu toà trả tự do nếu sự bắt giữ được xét là bất hợp pháp. Các nạn nhân trong những vụ bắt giữ và giam cầm trái phép co quyền được chính phủ bồi thường thiệt hại. (điều 14 khoản 6 CUDSCT)

Không ai có thể bị câu thúc thân thể vì thiếu nợ (điều 11 CUDSCT)

5) Quyền Được Xét Xử Công Bằng (Right to a Fair Trial) (điều 10, 11 TNQTNQ và điều 14 CUDSCT)

Mọi người đều được bình đẳng trước toà án, được quyền có một toà án độc lập, vô tư có thẩm quyền xét xử một cách công bằng và công khai để phán định về những quyền lợi và nghiã vụ của mình, hoặc về những tội trạng mà mình bị trách cứ về mặt hình sự. Bị cáo về các tội hình sự có quyền được suy đoán là vô tội cho đến khi bị chứng minh là có tội theo luật. (điều 11 TNQTNQ, điều 14 khoản 2 CUDSCT)

Trong vụ tranh tụng, mọi người đều được hưởng những bảo đảm sau đây về quyền biện hộ:

    1. Được quyền có thông dịch viên miễn phí do toà án cung cấp nếu bị cáo không hiểu tiếng và danh từ của toà án.
    2. Quyền được thông báo tội trạng với đầy đủ chi tiết trước khi toà mở cuộc điều tra và thẩm vấn.
    3. Quyền có đủ thời gian và phương tiện để chuẩn bị sự biện hộ trước toà.
    4. Quyền tự biện hộ hay nhờ luật sư do mình lựa chọn để biện hộ cho mình và được quyền tự do tiếp xúc với luật sư.
    5. Quyền được có luật sư biện hộ là một quyền bất khả chuyển nhượng, luật sư được chỉ định miễn phí trong trường hợp bị can không tự biện hộ và không có khả năng muớn luật sư.
    6. Quyền đối chất với nhân chứng trước toà, được đòi nhân chứng ra hầu toà kể cả các chuyên viên để làm sáng tỏ các sự kiện hồ sơ.
    7. Quyền giữ im lặng không phải khai để khỏi tự buộc tội mình, quyền không bị cưỡng bách nhận tội. Sự nhận tội chỉ có giá trị nếu không bị cưỡng bách hay hăm doạ.
    8. Quyền được chống án lên toà trên nếu bị xác nhận tội trạng; khi được toà tuyên phán là vô tội phải được phóng thích ngay và không thể bị truy tố lần thứ hai cũng về tội này.
    9. Cuộc thẩm vấn và tranh luận trước toà phải diễn ra công khai với sự tham dự của báo chí và công chúng.

6) Quyền Được Toà Án Bảo Vệ (Right to Judicial Protection) (điều 8 TNQTNQ và điều 2 khoản 3 CUDSCT)

Để chống lại các hành vi độc đoán trái phép của các nhân viên công quyền làm thiệt hại quyền lợi hay vi phạm nhân quyền, mọi người đều có quyền khiếu tố trước toà án để đòi những biện pháp đền bù hữu hiệu (effective remedy), như hủy bỏ một quyết định hành chánh, tuyên bố một đạo luật vi hiến, truyền phóng thích bị cáo vì bị giam giữ trái phép, hay buộc chính phủ bồi thường thiệt hại cho nạn nhân v.v...

Các quốc gia kết ước cam kết sẽ tổ chức hệ thống tư pháp hữu hiệu để có thể cung cấp cho mọi người quyền khiếu tố trước toà án có thẩm quyền hầu bênh vực các quyền tự do của con người được luật pháp quốc tế nhân quyền bảo vệ. Những biện pháp bồi thường thiệt hại do toà tuyên án phải được thực sự thi hành.

7) Quyền Được Luật Pháp Bảo Vệ (Right to Legal Protection) (điều 11 khoản 2 TNQTNQ và điều 15 CUDSCT)

Không ai có thể bị kết án về một tội hình sự do những hành động không cấu thành tội hình sự chiếu theo luật pháp quốc gia hay luật pháp quốc tế, luật pháp quốc tế được hiểu là những nguyên tắc tổng quát của hình luật được công nhận bởi cộng đồng các quốc gia (văn minh)

Không ai phải chịu hình phạt nặng hơn hình phạt dự liệu bởi luật áp dụng trong thời gian phạm pháp. Tuy nhiên bị cáo có thể được hưởng hình phạt nhẹ hơn chiếu theo các điều khoản của luật mới ban hành.

8) Quyền Được Coi Là Con Người Có Tư Cách Pháp Nhân Trước Pháp Luật Và Được Bình Đẳng Trước Pháp Luật (Right to Juridical Personality and Right to Equal Protection) (điều 6, 7 TNQTNQ, điều 16, 26 CUDSCT)

Nhân quyền quan trọng hơn hết là quyền được công nhận tại bất cứ ở đâu, là một con người có tư cách pháp nhân trước pháp luật và được pháp luật đối xử bình đẳng (dầu là công dân hay không công dân, dầu có chính kiến khác biệt với chính sách của nhà cầm quyền v.v...)

Về đầu bài
 [Tiếng Anh]

 

Lời giới thiệu
Lời nói đầu
Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền
Quyền Dân Sự, và Chính Trị
Quyền Kinh Tế, Xã Hội, và Văn Hóa
Phần Diễn Giải
Nhân Quyền Bậc 1
Nhân Quyền Bậc 2
   Quyền An Cư
   Quyền Lạc Nghiệp
Nhân Quyền Bậc 3
Phụ Đính 1


Lấy toàn bài: [Microsoft Word]
Lời giới thiệu: [Microsoft Word]
Lời nói đầu: [Microsoft Word]
Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền, phần mở đầu: [Microsoft Word]
Công Ước Quốc Tế về những Quyền Dân Sự, và Chính Trị: [Microsoft Word]
Công Ước Quốc Tế về những Quyền Kinh Tế, Xã Hội, và Văn Hóa: [Microsoft Word]
Phần Diễn Giải: [Microsoft Word]
Nhân Quyền Bậc 1: [Microsoft Word]
Nhân Quyền Bậc 2: [Microsoft Word]

Quyền An Cư: [Microsoft Word]

Quyền Lạc Nghiệp: [Microsoft Word]
Nhân Quyền Bậc 3: [Microsoft Word]
Phụ Đính 1: các điều khoản nhân quyền trong Hiến Chương Liên Hiệp Quốc: [
Microsoft Word]



[Trang nhà] [Về MLNQ] [Luật NQ] [Tài liệu] [Báo cáo NQ] [Giải NQVN ] [Diễn đàn] [Liên kết]