Tiếp theo những Quyền
An Cư (quyền dân sự) là những Quyền
Lạc Nghiệp (quyền kinh tế xã hội và văn
hoá giáo dục). Những quyền này được
ghi chép trong TNQTNQ và được phát triển
bởi Công Ước Liên Hiệp Quốc về
những quyền Kinh Tế Xã Hội và Văn Hoá
(CUKTXHVH).
Ai cũng có quyền làm
việc, được tự do lựa chọn
việc làm để bảo đảm kinh tế
cho mình và gia đình mình. Các quốc gia hội viên
sẽ từng bước hoạch định các
chương trình công tác, kỹ thuật, hướng
nghiệp và huấn nghệ để đạt
tới sự toàn dụng nhân công chống nạn
thất nghiệp, trong điều kiện những
quyền tự do chính trị và kinh tế căn
bản của cá nhân được tôn trọng.
Các quốc gia hội viên, do
sự san định luật pháp, sẽ tạo
những điều kiện lao động thuận
lợi để làm việc như sau:
- Trả lương tương
xứng và công bằng không phân biệt đối
xử (nam nữ) đủ để bảo
đảm cho đương sự và gia đình
một đời sống xứng đáng
với nhân phẩm, và nếu không đủ,
sẽ bổ sung bằng những biện pháp
bảo trợ xã hội khác.
- Tạo những điều
kiện làm việc an toàn để bảo
vệ sức khỏe và tránh tai nạn lao động.
- Tạo cơ hội thăng
tiến đồng đều căn cứ vào
thâm niên (kinh nghiệm) và khả năng chuyên môn.
- Quy định quyền
nghỉ ngơi và giải trí, ấn định
hợp lý số giờ làm việc trong tuần
(căn cứ vào năng suất và sức
khỏe), kể cả thời gian nghỉ định
kỳ thường niên có trả lương và
các ngày nghỉ lễ có trả lương.
16) Quyền Tự Do Nghiệp Đoàn
và Quyền Đình Công (Right to
Trade Union and Right to Strike) (điều 23 khoản 4
TNQTNQ và điều 8 CUKTXHVH).
Ai cũng có quyền thành
lập nghiệp đoàn hay gia nhập nghiệp
đoàn để bảo vệ và gia tăng
quyền lợi nghề nghiệp của mình
(Hiệp Ước Lao Động Quốc Tế năm
1948)
Quyền đình công
được công nhận theo luật. Sự hành
xử các quyền nói trên có thể bị đình
chỉ đối với các giới quân nhân, công
chức và cảnh sát.
17) Quyền An Sinh Xã Hội
(Right to Social Security) (điều 22 TNQTNQ và điều
9 CUKTXHVH)
Là một thành viên của xã
hội, ai cũng được quyền hưởng
an sinh xã hội và bảo hiểm xã hội.
Chế độ này bảo đảm đời
sống của người dân khi bị thất
nghiệp, đau ốm, tật nguyền, hậu
sản, già yếu, hay thiếu phương kế
sinh nhai do những hoàn cảnh ngoài ý muốn (tai
nạn, thiên tai v.v...). Chế độ an sinh xã
hội được thiết lập từng bước
tùy theo khả năng kinh tế tài chánh của
quốc gia, thông qua những cố gắng quốc
gia và hợp tác quốc tế phù hợp với
sự tổ chức và tài nguyên của mỗi nước.
18) Quyền Bảo Vệ Gia Đình
(Protection of the Family) (điều 25 khoản 2 TNQTNQ và
điều 10 CUKTXHVH)
Như đã trình bày ở
trên, gia đình là một đơn vị tự
nhiên và căn bản trong xã hội nên phải
được xã hội và quốc gia bảo
vệ. Gia đình góp phần quyết định vào
việc giáo dục và nuôi dưỡng trẻ em.
Quốc gia đặc
biệt nâng đỡ các sản phụ và
thiếu nhi. Phụ nữ đi làm được
phép nghỉ có trả lương một thời
gian trước và sau khi sanh. Các thiếu nhi không
được làm các công việc nguy hiểm hay phương
hại đến sức khỏe, đạo lý, hay
sự phát triển bình thường của
tuổi trẻ. Vi phạm các điều này sẽ
bị truy tố về tội hình sự. Quốc
gia phải ấn định tuổi tối
thiểu cho các thiếu nhi tham gia lao động (như
trong các ngành hỏa xa, quân lực v.v...).
19) Quyền Có Đời Sống
Khả Quan (Right to an Adequate
Standard of Living) (điều 25 TNQTNQ và điều 11
CUKTXHVH)
Ai cũng có quyền
được hưởng một mức sống
khả quan cho bản thân và gia đình, nhất là
về thức ăn, quần áo, nhà ở. Mức
sống này sẽ được nâng cao liên
tục thông qua các cố gắng quốc gia và
hợp tác quốc tế cũng như các tiến
bộ và phát minh về khoa học kỹ thuật
trong việc sản xuất, tồn trữ và phân
phối thực phẩm, sự phổ biến các
kiến thức về dinh dưỡng, phát
triển và canh tân nông nghiệp v.v... Trên phạm
vi vĩ mô, thế giới phải tiến tới
sự phân phối công bằng và hợp lý các
thực phẩm giữa các quốc gia sản
xuất nông phẩm và các quốc gia nhập
cảng (Tổ chức Lương Nông Quốc
Tế đã được thành lập). Năm
1974 Đại Hội Đồng Liên Hiệp
Quốc khuyến cáo các quốc gia hội viên
tiến tới việc thành lập một "trật
tự kinh tế thế giới mới" (new
international economic order) để làm giảm bớt
những bất công và bất bình đẳng
giữa các quốc gia tiên tiến (Âu Mỹ) và các
quốc gia đang phát triển (Á Phi). Năm 1977
Đại Hội Đồng lại khẳng định
rằng: "một trật tự kinh tế
thế giới mới là yếu tố thiết
yếu để tuyên dương hữu hiệu nhân
quyền và các quyền tự do căn bản
của con người".
20) Quyền Y Tế
(Right to Health) (điều 25 TNQTNQ và điều 12
CUKTXHVH)
Sức khỏe phải
được hiểu là sức khỏe thân
thể và sức khỏe tâm thần. Nhiều
quốc gia Âu Mỹ đã tiến tới chế
độ y tế miễn phí. Tổ chức Y
Tế Quốc Tế được thành lập
để thúc đẩy sự thực thi quyền
y tế. Trong phạm vi này, các quốc gia phải
từng bước hoạch định những chương
trình chăm sóc sản phụ và hài nhi, giảm
bớt tỷ lệ tử vong của trẻ sơ
sinh và bảo vệ sức khỏe cho hài nhi,
phải cải thiện môi trường sinh
sống nhất là trong các khu vực kỹ nghệ
và đông dân cư, phải ngăn ngừa và bài
trừ các bệnh dịch tễ, truyền
nhiễm, phải cung cấp thuốc men và chăm sóc
các bệnh nhân v.v...
Như bà Eleanor Roosevelt,
chủ tịch Ủy Ban Nhân Quyền Liên Hiệp
Quốc đầu tiên đã nhận định:
"Trên thực chất, những quyền tự
do trên toàn cầu chỉ có ý nghiã nếu những
quyền thiết yếu của con người
được tôn trọng tại những nơi
nhỏ bé ngay gần nhà, trong khu phố hay thôn xóm
nơi họ cư ngụ, trong trường
học, xưởng thợ, đồng ruộng hay
văn phòng. Tại những nơi này, đàn ông,
đàn bà và trẻ em đứng lên đòi Bình
Đẳng, Công Lý và Phẩm Giá ngang nhau, không phân
biệt kỳ thị. Nếu những quyền này
không có giá trị thực sự tại những nơi
này, thì chúng cũng chẳng có giá trị gì ở
bất cứ nơi nào khác. Nếu các công dân không
đòi để các quyền này được tôn
trọng ngay gần nhà họ, thì không thể có
tiến bộ nhân quyền trên thế giới".
21) Quyền Giáo Dục
(Right to Education) (điều 26 TNQTNQ và điều 13,
14 CUKTXHVH)
Ai cũng có quyền
được hưởng giáo dục.
Giáo dục phải nhằm
phát huy nhân cách và nhân phẩm, tăng cường
sự tôn trọng nhân quyền và những
quyền tự do căn bản, cho phép con người
tham gia sinh hoạt trong một xã hội tự do,
đề cao tình thông cảm, bao dung và hữu
nghị giữa các quốc gia, các cộng đồng
sắc tộc hay tôn giáo, đồng thời
yểm trợ các nỗ lực của Liên Hiệp
Quốc trong việc duy trì hoà bình thế giới.
Giáo dục sơ đẳng
có tính cách cưỡng bách và miễn phí. Các
quốc gia phải lập các chương trình hành
động trong vòng 2 năm kể từ ngày Công
Ước có hiệu lực để, trong một
thời gian hợp lý, kiện toàn chương trình
giáo dục sơ đẳng cưỡng bách và
miễn phí.
Giáo dục trung đẳng
kể cả các ngành phổ thông, kỹ thuật và
huấn nghệ phải được phổ
cập và tiến dần đến miễn phí.
Giáo dục cao đẳng
được phổ cập bình đẳng cho
mọi sinh viên, chỉ căn cứ vào khả năng
làm tiêu chuẩn nhập học, và cũng phải
tiến dần đến miễn phí.
Giáo dục tráng niên
được khuyến khích và phổ cập cho
những người chưa tốt nghiệp
tiểu học.
Hệ thống giáo dục các
cấp phải được tích cực phát
triển, đồng thời cải thiện các
điều kiện giảng huấn và đãi
ngộ các nhân viên giảng huấn.
Cha mẹ được
quyền tự do lựa chọn giáo dục cho các
con kể cả về đạo lý và tín ngưỡng.
22) Quyền Văn Hoá
(Right to Culture) (điều 27 TNQTNQ và điều 15
CUKTXHVH)
Các quốc gia hội viên và
kết ước công nhận cho mỗi người:
- Quyền được
tham gia vào đời sống văn hoá.
- Quyền được hưởng
những lợi ích của những tiến
bộ khoa học kỹ thuật.
- Các tác giả được
bảo vệ những quyền lợi tinh
thần và vật chất phát sinh từ
những công trình phát minh hay sáng tạo về
khoa học hay văn học nghệ thuật
của họ.
Các quốc gia phải định
chế hoá sự bảo vệ tác quyền và
phải góp phần vào việc bảo tồn, phát
triển và phổ biến các công trình văn hoá và
các tiến bộ khoa học.
Các quốc gia cam kết tôn
trọng quyền tự do nghiên cứu khoa học và
sáng tạo văn học nghệ thuật.
Sự kết ước và
hợp tác quốc tế trong phạm vi khoa học
và văn hoá sẽ đem lại lợi ích chung cho
mọi quốc gia dân tộc.
Về đầu bài