Nhận Định Pháp lệnh Tín Ngưỡng, Tôn Giáo về Mặt Pháp Lý

 

 

LS Phạm Văn Phổ

 

 

 

            Pháp Lệnh về Tín Ngưỡng và Tôn Giáo được Uûy Ban Thường Vụ của Quốc Hội CSVN ban hành vào ngày 18 tháng 6, 2004, và sẽ có hiệu lực ngày 15 tháng 11, 2004.  Pháp Lệnh này đã tạo nên những phản ứng mạnh mẽ trong cộng đồng Việt Nam hải ngoại mà ngay cả dư luận trong nước cũng tỏ ra bất mãn.

 

            Ở đây, chúng tôi chỉ muốn phân tích Pháp Lệnh này về khía cạnh pháp lý trên bình diện hình thức và nội dung của nó.

 

             I.   HÌNH THỨC

 

1. Trước hết về danh từ Pháp Lệnh:

Theo Hiến Pháp 1992 của CSVN, cơ quan Lập Pháp là Quốc Hội có nhiệm vụ làm luật và một đạo luật cần phải được đem ra thảo luận và biểu quyết với quá bán tổng số đại biểu chấp thuận mới có hiệu lực.  Tuy nhiên, cũng theo Hiến pháp đó, Quốc Hội có thể ủy quyền cho Uûy Ban Thường Vụ của Quốc Hội ban hành Pháp Lệnh về những vấn đề Quốc Hội giao phó. và dĩ nhiên, không cần mang ra thảo luận và biểu quyết tại Quốc Hội.

 

Đây là một định chế “độc đáo” của chế đô CSVN vì tại Hoa Kỳ hay tại các quốc gia dân chủ khác, việc làm luật phải được bàn thảo và biểu quyết công khai tại Quốc Hội, Uûy Ban Thường Vụ thực ra chỉ có thẩm quyền cứu xét các dự luật và đưa ra Quốc Hội thảo luận, biểu quyết. 

 

Theo Nghị Quyết của Quốc Hội ngày 26 tháng 11, 2003, ấn định “chuơng trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2004”, ngoài các dự luật về tố tụng dân sự, phá sản, thanh tra v.v, có các dự án pháp lệnh như: pháp lệnh giống cây trồng, giống vật nuôi và pháp lệnh tôn giáo, pháp lệnh thú y, pháp lệnh phòng, chống nhiễmvi-rút  gây hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải HIV/AIDS v.v. Quả thật Pháp lệnh tôn giáo được liệt kê vào những loại thứ yếu không hơn gì các quy chế dành cho cây cỏ, thú vật!

 

Như vậy có thể hiểu Pháp Lệnh như những quy định có tính cách hành chánh hơn là quy chế pháp luật.

 

Mà thực thế, Pháp Lệnh này được ban hành nhằm “thể chế hóa chính sách, Nghị Quyết của Đảng và Nhà Nước về vấn đề tôn giáo trong tình hình mới” (trích bản tin của Đảng CSVN 7/10/2004) được đưa ra trong kỳ đại hội Đảng khóa IX theo đó Pháp Lệnh Tôn Giáo được ban hành nhằm “chuẩn bị tiến tới xây dựng Luật về tín nguỡng, tôn giáo (hiện nay mới có Nghị định của chính phủ.)

 

Sự thực, hiện nay ngoài một số nghị định còn phải kể tới Sắc Lệnh về Tôn Giáo do Chủ Tịch Hồ Chí Minh ban hành 1955.  Sắc lệnh, theo đúng nguyên tắc, vẫn còn hiệu lực vì chưa có một đạo luật nào minh thị hủy bỏ.

 

2.  Xét về mặt hình thức, Pháp Lệnh bao gồm 6 chương và 41 điều khoản. Như vậy, Pháp Lệnh đã rút bớt một chương vì dự thảo lần thứ 19 đã có tất cả 7 chương và 44 điều.

 

7 chương đó gồm:

1.       Chương I :  Những quy định chung

2.       Chương II: Hoạt động tín ngưỡng của người có tín ngưỡng và hoạt động tôn giáo của Tín đồ, nhà tu hành, chức sắc

3.       Chương III: Tổ chức tôn giáo và hoạt động tôn giáo

4.       Chương IV: Tài sản thuộc cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo và hoạt động xã hội của tổ chức tôn giáo, tín đồ, nhà tu hành, chức sắc

5.       Chương V: Quan hệ quốc tế của tổ chức tôn giáo, tín đồ, nhà tu hành, chức sắc

6.       Chương VI: Điều khoản thi hành.

 

II.  PHÂN TÍCH VỀ NỘI DUNG PHÁP LỆNH

 

A.   Nhận xét tổng quát:

 

            Pháp Lệnh mới này, nhìn chung, có những đặc điểm sau:

 

1.       Thể hiện rõ rệt quy chế  “XIN CHO”:  Mặc dầu Pháp Lệnh công nhận người dân có quyền tự do tính ngưỡng, tôn giáo, nhưng quyền tự do có một hạn chế: XIN PHÉP; nói khác đi, được tự do nhưng phải có phép:  từ viêc thờ tự, sinh hoạt, công tác xã hội, xây cất nơi thờ tự, tuyển bổ tu sinh, thuyên chuyển tu sĩ, ấn hành sách báo, v.v. Nhỏ thì phải có phép hoặc đăng ký ở địa phương như cấp xã, cấp huyện; việc lớn phải xin phảp ở cấp tỉnh hoặc trung ương (chúng tôi sẽ phân tích chi tiết trong phần sau.)

2.       Cách hành văn rất mơ hồ, không rõ nghĩa và tùy thuộc người áp dụng.   Thí dụ những từ như “xâm phạm an ninh quốc gia, trật tự công cộng, môi trường ”, “tác động xấu đến đoàn kết nhân dân, đến truyền thống văn hóa tốt đẹp dân tộc,” v.v. vì bất cứ tổ chức nào không được lòng nhà nước cũng có thể gán vào những “tội danh” đó.

3.       Khắt khe hơn cả Sắc Lệnh Tôn Giáo 1955 do Chủ Tịch Hồ Chí Minh ban hành.  Thí dụ: sắc lệnh 1955 cho phép các tôn giáo được phép mở trường tư trong khi Pháp lệnh này lại không cho phép mặc dầu khuyến khích tôn giáo tham gia vào các hoạt động văn hóa, xã hội; sắc lệnh 1955 quy định việc liên hệ với Vatican là việc nội bộ của Công giáo. nhưng pháp lệnh mới này quy định  quan hệ quốc tế phải có sự chấp thuận của cơ quan quản lý nhà nước.

 

 

 

B. PHÂN TÍCH CÁC ĐIỀU KHOẢN

 

1.       Chương I :  Những quy định chung:

 

-    Điều 1 nhắc lại nguyên tắc nhà nước bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo  của công dân

-    Riêng điều 2 ấn định:  “Chức sắc, nhà tu hành có trách nhiệm thường xuyên giáo dục cho tín đồ lòng yêu nước, thực hiện quyền, nghĩa vụ công dân và ý thức chấp hành pháp luật.”  Trong thực tế, khi áp dụng điều khoản này có nghĩa là phải tuyên truyền cho chủ nghĩa cộng sản cũng như bảo vệ chế độ và nhà nước cộng sản hơn là yêu nước theo ý nghĩa chân chính của nó.

-  Điều 3 khi định nghĩa danh từ tổ chức tôn giáo, pháp lệnh quy định: “Tổ chức tôn giáo là tập hợp những người cùng tin theo một hệ thống giáo lý, giáo luật, lễ nghi và tổ chức theo một cơ cấu nhất định được Nhà nước công nhận.” Ở đây danh từ tổ chức tôn giáo đã được dùng thay cho từ Giáo Hội.  Như vậy, những tổ chức khác như xứ đạo, hội đoàn có phải là tổ chức tôn giáo không?

-  Điều 7 giao cho tổ chức Mặt Trận Tổ Quốc Việt Nam, một tổ chức trá hình của chính quyền, vai trò tập hợp, vận động, môi giới giữa đồng bào có tín ngưỡng và chính quyền cũng như giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về tín ngưỡng tôn giáo.

-  Điều 8 là một điều khoản kỳ lạ nhất khi cấm tôn giáo “khơng được lợi dụng quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo để phá hoại hoà bình, độc lập, thống nhất đất nước; kích động bạo lực hoặc tuyên truyền chiến tranh, tuyên truyền trái với pháp luật, chính sách của Nhà nước; chia rẽ nhân dân, chia rẽ các dân tộc, chia rẽ tôn giáo; gây rối trật tự công cộng, xâm hại đến tính mạng, sức khoẻ, nhân phẩm, danh dự, tài sản của người khác, cản trở việc thực hiện quyền và nghĩa vụ công dân; hoạt động mê tín dị đoan và thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật khác.”

             Điều khoản này khi mang ra áp dụng chắc chắn sẽ có sự lạm dụng và sẽ được dùng như một vũ khí luật pháp hữu hiệu nhất trong việc đàn áp tôn giáo, vì những tội danh như phá hoại hòa bình, độc lập, thống nhất đất nước hay chia rẽ, gây rối trật tự công cộng, mê tín dị đoan v.v. là những “tội danh” thường được cộng sản gán ép cho những người đối lập hay những người tranh đấu cho tự do, dân chủ hiện nay ở trong nước.

 

2.        Chương II: Hoạt động tín ngưỡng của người có tín ngưỡng và hoạt động tôn giáo của Tín đồ, nhà tu hành, chức sắc

Đây là một chương khá trọng yếu vì nhằm vào việc hạn chế, kiểm soát các sinh hoạt tôn giáo.

 

- Điều 11 quy định:

1. Chức sắc, nhà tu hành được thực hiện lễ nghi tôn giáo trong phạm vi phụ trách, được giảng đạo, truyền đạo tại các cơ sở tôn giáo.

2. Trường hợp thực hiện lễ nghi tôn giáo, giảng đạo, truyền đạo ngoài quy định tại khoản 1 Điều này phải có sự chấp thuận của Uỷ ban nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh … nơi thực hiện.

Như vậy việc thi hành các nghi lễ tôn giáo ngoài cơ sở tôn giáo đều phải có phép trước; thí dụ việc các linh mục đi xức dầu cho các người đau yếu, việc các tu sĩ đi làm các nghi lễ an táng v.v. đều phải có phép trước.

Giải thích điều khoản này khi công bố sắc lệnh,  Nguyễn Văn An, Chủ Tịch Quốc Hội tuyên bố :  việc giảng đạo trên radio hoặc trên internet cũng đều bị cấm đoán nếu chưa có phép của nhà nước.

- Điều 12 lại còn khắt khe hơn khi quy định:

1. Người phụ trách tổ chức tôn giáo cơ sở có trách nhiệm đăng ký chương trình hoạt động tôn giáo hàng năm diễn ra tại cơ sở đó với Uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn (sau đây gọi chung là Uỷ ban nhân dân cấp xã); trường hợp tổ chức hoạt động tôn giáo ngoài chương trình đã đăng ký thì phải được cơ quan nhà nước có thẩm quyền chấp thuận.

2. Thẩm quyền chấp thuận việc tổ chức lễ hội tín ngưỡng do Chính phủ quy định.

            Như vậy, nhất cử nhất động của các tôn giáo đều phải được sự duyệt xét và chấp thuận trước.

- Điều 13 cũng rất đặc biệt khi quy định:

1. Người đang chấp hành án phạt tù hoặc đang bị quản chế theo quy định của pháp luật thì không được chủ trì lễ nghi tôn giáo, truyền đạo, giảng đạo, quản lý tổ chức của tôn giáo và chủ trì lễ hội tín ngưỡng.

            Đây là trường hợp của các tu sĩ đang bị giam giữ  như trường hợp các LM Nguyễn Văn Lý, Đại lão Hòa Thượng Thích Huyền Quang,  Hòa Thượng Thích Quảng Độ, chẳng hạn.  Các vị này bị tước bỏ tất cả quyền được cử hành thánh lễ hoặc các nghi lễ tôn giáo.  Thực tế, việc này đã và đang áp dụng cho các tu sĩ bị giam giữ hoặc “cải tạo”.

 

- Điều 14 còn kỳ quặc hơn nữa khi quy định: “Hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo phải bảo đảm an toàn, tiết kiệm, phù hợp với truyền thống, bản sắc văn hóa dân tộc, giữ gìn, bảo vệ môi trường.”

Thế nào là “tiết kiệm, an toàn, phù hợp với truyền thống bản sắc dân tộc, bảo vệ môi trường”, toàn những danh từ rất mông lung, giải thích sao cũng được.   Hậu quả, những vụ thắp hương, đốt nến v.v có khi cũng sẽ bị cấm đoán.

 

- Điều 15 còn khắt khe và mông lung hơn nữa khi quy định:

 “Hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo bị đình chỉ nếu thuộc một trong các trường hợp sau:

1. Xâm phạm an ninh quốc gia, ảnh hưởng nghiêm trọng đến trật tự công cộng hoặc môi trường;

2. Tác động xấu đến đoàn kết nhân dân, đến truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc;

3. Xâm phạm tính mạng, sức khoẻ, nhân phẩm, danh dự, tài sản của người khác;

4. Có hành vi vi phạm pháp luật nghiêm trọng khác.”

            Như đã trình bầy ở trên, những danh từ mơ hồ và tổng quát như “bảo đảm an toàn, tiết kiệm, xâm phạm an ninh quốc gia, trật tự công cộng, đoàn kết nhân dân” có thể được dùng như một vũ khí luật pháp hữu hiệu để hạn chế, ngăn cấm các sinh hoạt tôn giáo và đàn áp tôn giáo.

 

3.        Chương III: Tổ chức tôn giáo và hoạt động tôn giáo

 

Trong chương này, pháp lệnh đã đặt ra các điều kiện  nghiệt ngã hơn nhằm hạn chế tôn giáo, nhất là trong việc “hợp thức hóa” các tôn giáo.

Chẳng hạn, điều 16 đặt ra nhiều điều kiện để được công nhận là một tổ chức tôn giáo trong đó có điều khoản “ có đăng ký hoạt động tôn giáo và hoạt động tôn giáo ổn định,  có tên gọi không trùng với tên gọi của tôn giáo đã được nhà nước công nhận.  Như vậy, Giáo Hội Phật Giáo Thống Nhất, Phật Giáo Hòa Hảo, Cao Đài, chẳng hạn, chắc chắn sẽ khó mà được hợp thức hóa, vì làm sao có được sinh hoạt “ổn định” và làm sao tránh khỏi việc trùng tên một khi đã có những giáo hội quốc doanh được nhà nước “hợp thức hóa” rồi.

 

4.                   Chương III: Tổ chức tôn giáo và hoạt động tôn giáo.

 

Trong chương này, pháp lệnh quy định hết sức chặt chẽ về việc tổ chức và các hoạt động tôn giáo.

 

Trước hết, điều 17quy định:  Việc thành lập, chia, tách, sáp nhập, hợp nhất tổ chức tôn giáo cơ sở phải được sự chấp thuận của chính quyền địa phương.

 

                  Cũng thế, điều 18 ấn định: Việc tổ chức hội nghị, đại hội của tổ chức tôn giáo cơ sở được tiến hành sau khi có sự chấp thuận của chính quyền địa phương hoặc trung ương.

      Các hội đoàn hay dòng tu , muốn hoạt động, các cơ sở tôn giáo có người đi tu phải đăng ký với chính quyền (các điều 19 và 20 và 21).

 

Riêng về vấn đề phong chức, phong phẩm, bổ nhiệm bầu cử, suy cử trong tôn giáo phải hội đủ một số điều kiện như sau mới được nhà nước chấp thuận:

 

a) Là công dân Việt Nam, có tư cách đạo đức tốt;

b) Có tinh thần đoàn kết, hoà hợp dân tộc;

c) Nghiêm chỉnh chấp hành pháp luật.

 

            Đối với các việc phong chức có liên hệ đến nước ngoài (như trường hợp của Công Giáo, Tin Lành hoặc Phật Giáo) phải có sự chấp thuận của chinh quyền trung ương.  Điều này rõ ràng còn khắt khe hơn Sắc Lệnh 1955 nữa.

 

            Khi đưa ra những điều kiện khó khăn như thế, nhà nước đã can thiệp trắng trợn vào tổ chức và nội bộ các tôn giáo.  Những tiêu chuẩn như đạo đức, có tinh thần đoàn kết, hòa hợp dân tộc v.v. là những tiêu chuẩn rất mung lung mà nhà cầm quyền có thể dựa vào đó để bác bỏ việc phong chức bất cứ tu sĩ nào họ không thích hoặc không muốn.

 

            Ngoài ra, các tôn giáo cũng còn phải đăng ký những tu sĩ này.  Khi thuyên chuyển các tu sĩ tới một địa phương khác không những phải thông báo với chính quyền địa phương nơi đi mà còn phải đăng ký với nhà chức trách địa phương nơi tới. (điều 23). 

Như vậy, nhất cử nhất động của các tu sĩ đều được nhà cầm quyền theo dõi sát nút.

 

            Việc thành lập các trường đào tạo những người chuyên hoạt động tôn giáo (không phân biệt giáo sĩ hay tín đồ) phải được sự chấp thuận của Thủ Tướng và trình tự, thủ tục thành lập, giải thể trường đào tạo, mở lớp bồi dưỡng tôn giáo cũng phải  do Chính phủ quy định.

 

Các mơn học gồm lịch sử Việt Nam, pháp luật Việt Nam là các mơn học chính khố trong chương trình đào tạo tại trường đào tạo những người chuyên hoạt động tôn giáo. (điều 24)

 

Cuối cùng, các buổi lễ diễn ra ngoài cơ sở tôn giáo phải được sự chấp thuận của chính quyền địa phương chấp thuận (điều 25).

 

5.       Chương IV: Tài sản thuộc cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo và hoạt động xã hội của tổ chức tôn giáo, tín đồ, nhà tu hành, chức sắc

 

Về đất đai của các tôn giáo, điều 27 quy định những tài sản này chỉ được sử dụng ổn định lâu dài nếu những tôn giáo đó được nhà nước cho phép hoạt động.

 

Đối với vấn đề sách báo tôn giáo, điều 32 qhi định : Việc xuất bản, in, phát hành các loại kinh, sách, báo, tạp chí và các xuất bản phẩm khác về tín ngưỡng, tôn giáo; kinh doanh, xuất khẩu, nhập khẩu văn hố phẩm về tín ngưỡng, tôn giáo; sản xuất đồ dùng phục vụ hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo được thực hiện theo quy định của pháp luật.

 

Trong thực tế, việc xuất bản in ấn các tác phẩm tôn giáo đều bị hạn chế hết sức chặt chẽ.  Chẳng hạn Hội Đồng Giám Mục Việt Nam muốn xuất bản một tờ thông tin mục vụ cho tới nay vẫn chưa được phép của nhà nước.

Về vấn đề giáo dục, văn hóa, xã hội, y tế v.v. điều 33 quy định:

 

1. Nhà nước khuyến khích và tạo điều kiện để tổ chức tôn giáo tham gia nuơi dạy trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt; hỗ trợ cơ sở chăm sóc sức khoẻ người nghèo, người tàn tật, người nhiễm HIV/AIDS, bệnh nhân phong, tâm thần; hỗ trợ phát triển các cơ sở giáo dục mầm non và tham gia các hoạt động khác vì mục đích từ thiện nhân đạo phù hợp với hiến chương, điều lệ của tổ chức tôn giáo và quy định của pháp luật.

2. Chức sắc, nhà tu hành với tư cách công dân được Nhà nước khuyến khích tổ chức hoạt động giáo dục, y tế, từ thiện nhân đạo theo quy định của pháp luật.

 

            Ở đây, cần nhấn mạnh: mặc dầu pháp lệnh viết nhà nước “khuyến khích” các tôn giáo trong các hoạt động này nhưng trên thực tế hầu như những hoạt động này cũng bị hạn chế.  Cũng thế, theo pháp lệnh, nhà nước chỉ muốn “khuyến khích” tôn giáo “tham gia và hỗ trợ” tham gia hoạt động trong các cơ sở đặc biệt mà nhà nước cảm thấy không đủ khả năng thực hiện như nuôi dậy các trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, lớp mẫu giáo, người tàn tật, người bị bệnh tâm thần, HIV/AIDS, phong cùi, vv. Còn những trường tiểu học, trung học, đại học tư  thục hay những cơ sơ y tế như nhà thương vv. vẫn do nhà nước chiếm độc quyền chứ không cho phép tôn giáo mở, vì sợ các tôn giáo có ảnh hưỡng nơi dân chúng.

 

6.       Chương V: Quan hệ quốc tế của tổ chức tôn giáo, tín đồ, nhà tu hành, chức sắc

 

Điều 35 quy định các hoạt động quan hệ quốc tế sau đây phải có sự chấp thuận của cơ quan quản lý nhà nước về tôn giáo ở trung ương:

 

1. Mời tổ chức, người nước ngoài vào Việt Nam hoặc triển khai chủ trương của tổ chức tôn giáo nước ngoài ở Việt Nam;

2. Tham gia hoạt động tôn giáo, cử người tham gia khóa đào tạo về tôn giáo ở nước ngoài.

 

Cũng thế điều 36 ấn định:

Chức sắc, nhà tu hành là người nước ngoài được giảng đạo tại cơ sở tôn giáo của Việt Nam sau khi được cơ quan quản lý nhà nước về tôn giáo ở trung ương chấp thuận, phải tôn trọng quy định của tổ chức tôn giáo của Việt Nam và tuân thủ quy định của pháp luật Việt Nam.

 

7.       Chương VI: Điều khoản thi hành.

 

Điều 38 quy định: “Trong trường hợp điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ký kết hoặc gia nhập có quy định khác với quy định của Pháp lệnh này thì thực hiện theo quy định của điều ước quốc tế đó.”

 

Như đã phân tích ở trên, các điều khoản trong pháp lệnh mới này của Cộng Sản Việt Nam đã đặt ra những hạn chế hết sức khó khăn đối với các tôn giáo, từ việc công nhận tính cách pháp nhân cho tới việc hành đạo, tổ chức, tuyển bổ, sinh hoạt v.v. Những hạn chế này rõ ràng đi ngược lại với Bản Tuyên Ngôn Quốc Tế  Nhân Quyền trong đó Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam đã long trọng ký kết. 

 

            Thục vậy, điều 18 của Bản Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền ghi rõ: Ai cũng có quyền tự do tư tưởng, tự do lương tâm và tự do tôn giáo; quyền này bao gồm cả quyền tự do thay đổi tôn giáo hay tín ngưỡng và quyền tự do biểu thị tôn giáo hay tín ngưỡng qua sự giảng dạy, hành đạo, thờ phụng và nghi lễ, hoặc riêng mình hoặc với người khác, tại nơi công cộng hay tại nhà riêng.”

 

Do đó, liệu khi thi hành, nhà cầm quyền CSVN có dám thi hành điều khoản này không?  Câu trả lời chắc chắn là không.

 

Điều 39 cũng qui định những tổ chức tôn giáo đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền công nhận trước ngày Pháp lệnh này có hiệu lực thì khơng phải làm thủ tục công nhận lại.  Ngoài ra những hội đồn tôn giáo, dịng tu, tu viện và các tổ chức tu hành tập thể khác của tôn giáo đã đăng ký và được phép hoạt động trước ngày Pháp lệnh này có hiệu lực thì khơng phải làm thủ tục đăng ký lại.

 

Như vậy, những tổ chức tôn giáo như Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất, Phật Giáo Hòa Hảo, Cao Đài hoặc các tổ chức trong Giáo Hội Tin Lành hay Công Giáo chưa được công nhận chắc chắn sẽ không thể hoặc khó có thể được “hợp thức hóa.”  Đây chính là một hình thức “cấm đạo” thâm độc nhất dành cho các tôn giáo.

 

Theo điều 41,  Chính Phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi  hành pháp lệnh này.  Thực tế . song song với Pháp Lệnh, một bản thảo Nghị Định cũng đã được soạn thảo và kèm với Pháp Lệnh trong tài liệu gửi tới các tôn giáo gọi là để “tham khảo” trong đó chi tiết về thể thức đăng ký, xin phép v.v. đã được ấn định kỹ càng.

 

KẾT LUẬN

 

Qua sự phân tích nói trên, chúng ta có thể tóm kết về Pháp Lệnh mới này thực ra chỉ là một hình thức đàn áp tôn giáo bằng pháp luật.  Pháp lệnh được đưa ra vội vã và đi ngược lại tất cả những nguyện vọng qua các lời góp ý của các tôn giáo,  chứng tỏ Cộng Sản Việt Nam muốn “thống nhất” một chính sách đàn áp tôn giáo chung trên toàn quốc và đồng thời ngăn chặn những biến động có chiều hướng gia tăng và bộc phát đặc biệt tại cao nguyên và vùng đồng bằng Cửu Long nơi đồng bào sắc tộc và các tín đồ các tôn giáo như Phật Giáo Hòa Hảo, Cao Đài và các tôn giáo khác bắt đầu chống đối công khai về chính sách đàn áp tôn giáo của cộng sản .

 

Trước biến cố này, cộng đồng người Việt ở hải ngoại, đặc biệt các tổ chúc tôn giáo, cần có những hành động và biện pháp tích cực để đòi hỏi nhà cầm quyền CSVN phải hủy bỏ ngay pháp lệnh mới nà, đồng thời cũng cần vận động tích cực Liên Hiệp Quốc và các cơ quan nhân quyền và các chính phủ, Quốc Hội của các quốc gia Dân Chủ trên thế giới có những biện pháp cụ thể và hữu hiệu để việc đàn áp tôn giáo bằng “pháp luật”ø trên thực tế phải được chấm dứt ngay tức thời, đề nhân dân Việt Nam sớm được hưởng những quyền tối thiểu của con người trong đó có quyền tự do tôn giáo.

 

LS PHẠM VĂN PHỔ

 

 

 

Trở lại trang chính


[Trang nhà] [Về MLNQ] [Luật NQ] [Tài liệu] [Báo cáo NQ] [Giải NQVN ] [Diễn đàn] [Liên kết]