Pháp lệnh tôn giáo: một cách đàn áp tôn giáo
Lm CHÂN TÍN, Lm NGUYỄN HỮU GIẢI, Lm PHAN VĂN LỢI
Như mọi người đã biết, ngày 18-6 vừa qua, tại Hà Nội, Uỷ ban Thường vụ của Quốc hội Việt Nam đã thông qua một “Pháp lệnh tín ngưỡng, tôn giáo” gồm 6 chương, 41 điều. Pháp lệnh này được ấn định có hiệu lực từ ngày 15-11-2004.
Là tín đồ tôn giáo, chúng tôi có quyền và cũng có bổn phận phải lên tiếng khi nhận thấy pháp lệnh này rõ ràng xâm phạm đến những quyền lợi chính đáng của các tôn giáo và của những người dân có tôn giáo. Chúng tôi rất mong Nhà Nước rút lại pháp lệnh này vì lý do trên.
Đàn áp tôn giáo bằng pháp luật
Đọc qua pháp lệnh này, ta có thể nhận thấy đây là một công cụ để Nhà Nước đàn áp nhân dân về mặt tôn giáo. Vì tuy không có chỗ nào chính thức phủ nhận quyền tự do tôn giáo, nhưng pháp lệnh này đòi buộc tất cả mọi hoạt động tôn giáo phải đặt dưới quyền giám sát của Nhà Nước và hoàn toàn lệ thuộc vào Nhà Nước. Hầu hết các điều khoản trong pháp lệnh đều nhằm hạn chế tối đa hoặc vô hiệu hóa quyền tự do tôn giáo của người dân, một quyền tự nhiên và căn bản đã được hiến pháp Việt Nam cũng như luật pháp quốc tế công nhận. Vì vậy, nếu dựa trên nội dung thì pháp lệnh này phải mang tên là “Pháp Lệnh Hạn Chế hay Vô Hiệu Hóa Tự Do Tôn Giáo” mới phù hợp. Vì Pháp lệnh này có 41 điều thì trong đó có:
– 1 điều - điều đầu tiên - nhắc lại nguyên tắc tổng quát của hiến pháp về tôn giáo là “Công dân có quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, theo hoặc không theo một tôn giáo nào. Nhà Nước bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của công dân. Không ai được xâm phạm quyền tự do ấy”. Trong điều này, không có một từ nào giới hạn lại quyền tự do tôn giáo cả.
– Thế mà 40 điều sau, ngoài 4 điều liên quan đến việc thi hành pháp lệnh, thì 36 điều còn lại - là nội dung căn bản của pháp lệnh - hầu như điều nào cũng đều mang tính hạn chế lại quyền tự do tôn giáo vừa được công bố ở điều 1. 36 điều này hầu như bao trùm hầu hết các sinh hoạt tôn giáo chính đáng của các tôn giáo. Do đó, 36 điều này không nhiều thì ít đều phản lại điều 1 của chính pháp lệnh, và cũng phản lại chủ trương tự do tôn giáo của hiến pháp. Thật vậy, điều 1 vừa nói: “Nhà Nước bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của công dân. Không ai được xâm phạm quyền tự do ấy”, thì ngay lập tức các điều sau ít nhiều gì đều “xâm phạm quyền tự do ấy”! Điều 1 vừa đưa ra quyền tự do tôn giáo thì các điều sau cứ từ từ rút lại quyền ấy có thể nói cho đến hết. Vì thế, pháp lệnh này là một pháp lệnh trước sau bất nhất và có tính vi hiến rõ ràng.
Như vậy, với pháp lệnh này, trừ điều 1 ra, Nhà Nước đã dùng hầu hết những điều khoản còn lại để tước bỏ hầu hết quyền tự do tôn giáo của người dân. Có thể nói khi soạn thảo và ban hành pháp lệnh này, Quốc hội Việt Nam đã làm một hành động vi phạm hiến pháp. Như vậy, chính Quốc Hội ra hiến pháp, và thật trớ trêu, cũng chính Quốc Hội vi phạm hiến pháp ấy! Thế thì luật pháp Việt Nam còn giá trị gì nữa?
Tóm lại, âm mưu thâm độc của Nhà Nước - từ nhiều thập niên trước và nhất là càng về sau, đặc biệt những ngày sắp tới sau khi pháp lệnh này bắt đầu được thi hành - là không trực tiếp bắt ai vì lý do hoạt động tôn giáo, vì làm như thế thì vi phạm quyền tự do tôn giáo một cách quá trắng trợn! Do đó, trong quá khứ Nhà Nước đã tạo ra những luật lệ, và hiện nay trang trọng hơn bao giờ hết, Nhà Nước đưa ra một pháp lệnh do Quốc Hội ban hành. Chủ trương của Nhà Nước là pháp lệnh này phải được soạn thảo thế nào để có thể biến hầu hết những hoạt động tôn giáo chính đáng của người dân trở thành những hành vi bất hợp pháp, hầu căn cứ vào đó Nhà Nước có lý do hợp pháp để bắt bớ, kết án, bỏ tù những ai sinh hoạt tôn giáo. Bản chất, mục đích và nội dung của “Pháp lệnh tín ngưỡng, tôn giáo” ban hành ngày 18-6 vừa qua tại Hà Nội là như thế.
Nếu có một số sinh hoạt tôn giáo đang được diễn ra một cách có vẻ như tự do và thường xuyên, thì đó chỉ là những sinh hoạt mà chính quyền có thể kiểm soát được một cách dễ dàng, nhất là để tỏ ra bên ngoài là Việt Nam có tự do tôn giáo hầu đánh lừa những ai nhẹ dạ, không thấy được chiều sâu. Ngay cả những sinh hoạt này, hầu hết cũng phải đăng ký và được chính quyền cho phép hay chấp thuận mới được sinh hoạt. Trong 41 điều của bản pháp lệnh có tới 18 từ “đăng ký”, và 21 từ “chấp thuận”, “công nhận”, “cho phép” hay “được phép”. Điều cần lưu ý ở đây là trong quá khứ, “đăng ký” không có nghĩa là báo cho chính quyền biết rồi cứ việc tự động làm, mà phải chờ đợi chính quyền chấp thuận rồi mới được làm. Nên “đăng ký” và “xin phép” là hai động từ tuy khác nhau, nhưng trong thực tế là hoàn toàn đồng nghĩa. Do đó, trong 41 điều, thì có tới 39 từ có nội dung là “xin phép” hoặc “cho phép”. Vì thế, thứ “tự do tôn giáo” được hiểu trong bản pháp lệnh này là thứ “tự do nhưng phải xin phép”, “tự do nhưng phải đăng ký”. Cụm từ “nhưng phải xin phép”, hay “nhưng phải đăng ký” đã biến chữ “tự do” đi trước nó trở thành vô nghĩa và rỗng tuếch!
Thử hỏi, theo pháp lệnh, có sinh hoạt tôn giáo nào công khai và có tính tập thể mà không phải đăng ký hay xin phép? Thế mà trong pháp lệnh tôn giáo không hề có điều khoản nào quy định những trường hợp nào thì người có thẩm quyền buộc phải cho phép, nếu không cho phép là vi phạm pháp luật và phải bị trừng trị. Vì thế, những người này có thể tự do cho phép hay không cho phép tùy hứng, tùy phán đoán riêng tư của mình, tùy theo cảm tình riêng của mình trong từng trường hợp, và cũng có thể tùy theo trường hợp đó có được hối lộ hay không… Chẳng hạn có khá nhiều trường hợp nhờ đút lót mà chính quyền chấp thuận cho một chủng sinh làm linh mục, nếu không đút lót thì vô phương…
Nhất là chính quyền có thể dùng sự cho phép này như một ơn huệ để ân thưởng những tu sĩ hay giáo sĩ nào chịu uốn mình tuân phục hoặc sẵn sàng làm công cụ cho Nhà Nước bất chấp lương tâm mình. Hoặc dùng quyền không cho phép để trừng phạt những tu sĩ hay giáo sĩ nào bướng bỉnh, không chịu làm theo ý của Nhà Nước mà cứ nhất định làm theo đòi hỏi của lương tâm mình. Và quyền tự tiện cho phép hoặc không cho phép trong lãnh vực này sẽ chẳng khác gì “cây roi và củ cà rốt” để Nhà Nước có thể ép buộc tôn giáo hay các giáo sĩ trở thành công cụ ngoan ngoãn trong tay mình. Và cũng dùng để hạn chế hoặc vô hiệu hóa hoạt động của những giáo sĩ bất khuất không chịu “khom lưng, cúi đầu”. Thật vậy, những thượng tọa, mục sư hay linh mục đẹp lòng Nhà Nước thì xin xỏ cái gì cũng dễ, còn những vị không đẹp lòng Nhà Nước thì xin gì cũng khó, cho dù điều xin ấy có cần thiết và chính đáng đến đâu đi nữa!
Chính vì muốn duy trì “cây roi và củ cà rốt” ấy, nên trong pháp lệnh này chính quyền nhất định phải tiếp tục duy trì và củng cố cho bằng được “cơ chế xin-cho” mà các nước dân chủ trên thế giới đã bỏ đi từ nhiều thập niên, và trong nước cũng đã từng một thời bị báo chí và dư luận đả kích.
Do đó, thứ “tự do tôn giáo” mà pháp lệnh này chủ trương chỉ là thứ “tự do rỗng”, thứ tự do chỉ được gọi bằng danh từ “tự do” chứ không có thực chất. Nếu cứ theo nghĩa chung của hai chữ “tự do” trong các loại tự điển thì thứ tự do đó chẳng còn là tự do chút nào nữa. Nói chính xác hơn, thứ tự do mà pháp lệnh chủ trương là thứ “tự do kiểu xin-cho”
Minh họa cho thứ “tự do kiểu xin-cho”
Để mọi người hiểu dễ dàng bản chất của thứ tự do này, ta có thể đưa ra một minh họa đơn giản. Một ông chủ nói với những gia nhân dưới quyền mình: “Trên nguyên tắc, tao cho tụi bay được tự do làm tất cả mọi sự, nghĩa là muốn làm gì thì làm. Tao chỉ yêu cầu tụi bay một điều kiện duy nhất này thôi, đó là: hễ chúng bay muốn làm gì thì phải nói cho tao biết trước hoặc xin phép tao, tao có cho phép làm thì chúng bay mới được làm”. Rồi ông chủ đó huênh hoang khoe với những ông chủ khác: “Trong nhà tôi, tất cả mọi gia nhân đều được tự do, muốn làm gì thì làm, tôi đã cho phép họ như thế”. Nghe thế, nhiều người nhẹ dạ đã tin và tỏ ra nể nang “đức độ và lòng nhân từ vô cùng cao quý” của ông chủ ấy.
Thứ tự do mà ông chủ ấy quy định cho các gia nhân cũng chính là thứ “tự do kiểu xin-cho” trong pháp lệnh tôn giáo vừa được Nhà Nước ban hành. Đối chiếu pháp lệnh với minh họa ông chủ và các gia nhân, ta thấy:
Điều 1 của Pháp Lệnh đưa ra nguyên tắc chung công nhận quyền tự do tôn giáo, tương tự như câu của ông chủ: “Trên nguyên tắc, tao cho tụi bay được tự do làm tất cả mọi sự, nghĩa là muốn làm gì thì làm”.
40 điều sau lập tức vô hiệu hóa tức khắc điều 1 vừa nói, tương tự như câu của ông chủ: “Tao chỉ yêu cầu tụi bay một điều kiện duy nhất này thôi, đó là: hễ chúng bay muốn làm gì thì phải nói cho tao biết trước hoặc xin phép tao, tao có cho phép làm thì chúng bay mới được làm”. Giữa pháp lệnh và câu nói trên chỉ khác nhau một điều là thay vì nói một câu tổng quát: “tất cả mọi hoạt động tôn giáo đều phải xin phép”, thì pháp lệnh đã kể ra một lô những loại hoạt động phải đăng ký và xin phép, bao trùm hầu hết các hoạt động tôn giáo chính đáng của dân chúng.
Với pháp lệnh vừa ban hành trong đó điều 1 quy định đúng y hệt như hiến pháp, phát ngôn viên bộ ngoại giao của CSVN có thể huênh hoang với quốc tế: Nước Việt Nam của chúng tôi luôn luôn tôn trọng tự do tôn giáo như đã được quy định trong hiến pháp, cụ thể nhất là trong pháp lệnh tôn giáo vừa ban hành… Đương nhiên trên thế giới hiện nay chẳng còn mấy ai tin được những lời láo khoét ấy ngoài những người dân nhẹ dạ cả tin. Dân Việt trong nước cũng như hải ngoại đã có quá nhiều kinh nghiệm về sự dối trá ấy. Kinh nghiệm ấy dân Việt đã đúc kết thành câu tục ngữ “nói dối như vẹm” đã được lưu truyền rất phổ biến trong dân gian từ nửa thế kỷ nay. Nhưng bộ ngoại giao CSVN vẫn “mặt dày mày trơ” tiếp tục dối trá trước dư luận quốc tế mà không hề ngượng miệng!
Có thật sự cần thiết phải hạn chế tự do tôn giáo?
Đành rằng chính quyền có thể e sợ người dân lợi dụng tự do tôn giáo, hay lợi dụng chính tôn giáo để làm trái pháp luật, trái chính sách, làm rối trật tự công cộng hay làm hại người khác nên phải hạn chế tự do ấy lại chút ít trong mức độ hợp lý của nó. Nhưng nếu Nhà Nước thật sự sợ người dân lợi dụng tôn giáo để vi phạm pháp luật, thì thiết tưởng Nhà Nước cứ việc cho công an theo dõi, ai vi phạm pháp luật thì cứ việc xử lý nghiêm minh, như trong hầu hết mọi lãnh vực khác. Chứ không thể vì nỗi sợ ấy mà lại hạn chế tự do tới mức độ hầu hết các sinh hoạt tôn giáo đều phải đăng ký hoặc xin phép. Mà xin phép thì không chắc gì được phép! khiến cho ai sinh hoạt tôn giáo - vốn là những nhu cầu tinh thần không thể không làm - mà không xin phép hay không có phép thì đều trở thành vi phạm pháp luật, cho dù họ chưa hề làm điều gì chính thức vi phạm pháp luật cả!
Rất nhiều trường hợp các tín đồ tụ tập lại chỉ với mục đích cầu nguyện và nghe giảng đạo thì bị đã công an đến giải tán, và công an đã bắt bớ những người đứng đầu tổ chức, coi như họ đã thật sự vi phạm pháp luật! Thử hỏi tín đồ các tôn giáo đã làm gì mà Nhà Nước ta lại phải sợ bóng sợ gió việc họ lợi dụng tôn giáo để vi phạm pháp luật đến nỗi phải hạn chế được chừng nào có thể việc họ sinh hoạt tôn giáo như thế?!
Hiện nay, sờ sờ trước mắt người dân từ mấy chục năm nay, ai cũng thấy biết bao đảng viên Cộng Sản lợi dụng “tính đảng” để vi phạm pháp luật, để tham lạm của công, quan liêu, cửa quyền, ức hiếp người dân… Đó là một tình trạng rất phổ biến và cũng hết sức nghiêm trọng. Biết bao người dân phải oán thoán, biết bao trí thức cũng như đảng viên yêu nước đã lên tiếng cảnh báo về điều ấy. Thế mà Nhà Nước chẳng quan tâm bao nhiêu, Nếu có thì dường như chỉ giả bộ quan tâm để trấn an dân chúng, nên chẳng có nỗ lực nào đáng kể và hữu hiệu để cải thiện tình trạng ấy. Nếu Nhà Nước sợ người dân lợi dụng tôn giáo để vi phạm pháp luật nên phải ra một pháp lệnh để ngăn chặn, thì thiết tưởng Nhà Nước đã phải ra tới 10 hay 100 pháp lệnh để ngăn chặn các đảng viên lợi dụng đảng vi phạm pháp luật mới đúng! Thế mà chẳng có một pháp lệnh nào cả!
Hơn nữa, các tệ nạn xã hội như tham nhũng, xì ke ma túy, mãi dâm, buôn bán phụ nữ và trẻ em ra nước ngoài… đang ngày càng tràn lan làm đất nước phải khốn đốn và chậm tiến. Tại sao những lãnh vực ấy, đáng lẽ chính quyền phải cẩn trọng tối đa để ngăn cản, thì chính quyền lại bất cập? Còn lãnh vực tôn giáo thì chính quyền lại cẩn trọng một cách quá đáng đến độ phi lý như thế? Phải chăng chính quyền coi tôn giáo còn nguy hiểm và xấu xa hơn tình trạng tham nhũng, xì ke ma túy, mãi dâm, bán phụ nữ và trẻ em ra nước ngoài…? Trong khi ở các nước khác, các tôn giáo đã làm được biết bao việc tốt đẹp rất lớn lao cho người dân! Nếu không, tại sao chính quyền lại không ra pháp lệnh để ngăn ngừa những tệ trạng ấy?
Những nước khác đâu có pháp lệnh đặc biệt cho các tôn giáo mà có mấy ai lạm dụng tôn giáo để phạm pháp?! Chẳng lẽ chính quyền đánh giá tín đồ các tôn giáo tại nước mình lại quá chừng tệ hơn tín đồ ở các nước khác trên thế giới? nhất là khi mà lực lượng công an ở nước mình nổi tiếng là rất hùng hậu, luôn luôn theo dõi hữu hiệu mọi hoạt động của người dân? Cần gì phải đề phòng tôn giáo cách quá mức cẩn thận như thế?
Còn nếu Nhà Nước sợ các tôn giáo chống lại chính quyền, thì đúng ra Nhà Nước càng phải để cho các tôn giáo được tự do, như thế mới hợp lý! Đằng này Nhà Nước lại ngày càng hạn chế quyền tự do tôn giáo của người dân! Chỉ cần so sánh sắc lệnh 234S/L đầu tiên về Tôn giáo do chính Chủ tịch Hồ Chí Minh ký ngày 14-6-1955 với pháp lệnh vừa ban hành, ai cũng thấy, về mặt pháp luật, rõ ràng là có sự leo thang đàn áp rất lớn! Điều này chỉ khiêu khích người dân vốn không có ý muốn chống lại Nhà Nước cũng phải chống để được tự do hơn. Nếu không tranh đấu thì các tôn giáo chắc chắn sẽ bị ngộp thở, sống không ra sống mà chết không ra chết! Việc các tu sĩ như HT Thích Huyền Quang, TT Thích Quảng Độ, LM Nguyễn Văn Lý, MS Nguyễn Hồng Quang… phải lên tiếng tranh đấu chính vì Nhà Nước đã thật sự đàn áp tôn giáo, đã hạn chế quá đáng quyền tự do tôn giáo của người dân. Nếu có tự do tôn giáo thật sự, các vị ấy đã chẳng lên tiếng tranh đấu làm gì! Thiết tưởng Nhà Nước cần phải thành thực nhận chân và chấm dứt tình trạng đàn áp này. Chính Lênin, một ông tổ của chế độ Cộng Sản, đã nói một câu khá chí lý: “Ở đâu có bất công, đàn áp, ở đấy có tranh đấu”. Phải chăng khi bắt bớ, vu khống và bỏ tù những người tranh đấu, Nhà Nước muốn dùng biện pháp thật mạnh để vừa gia tăng đàn áp vừa bịt miệng mọi người để không còn ai dám lên tiếng tranh đấu nữa? Như thế có khác gì vừa dẵm lên chân người ta lại vừa cấm người ta kêu đau!
Nếu pháp lệnh tôn giáo vừa ban hành mà được áp dụng thì sẽ có vô số những hoạt động tôn giáo chính đáng bị coi là vi phạm pháp luật chỉ vì không đăng ký, xin phép, hoặc xin phép mà không được chính quyền chấp thuận. Chẳng hạn việc cầu nguyện chung tại tư gia, truyền đạo tại những nơi không phải là cơ sở tôn giáo được Nhà Nước chấp thuận, lập các trang web tôn giáo, in ấn các tài liệu tôn giáo, hay các hoạt động văn hóa, xã hội, giáo dục, từ thiện, v.v… Những hoạt động tôn giáo chính đáng này, tín đồ các tôn giáo ở hầu hết các nước trên thế giới đều được làm một cách thoải mái, không cần phải đăng ký hay xin phép rồi mới làm, mà không bao giờ bị coi là vi phạm pháp luật. Thế mà các tín đồ tôn giáo tại Việt Nam, khi thực hiện cũng những hoạt động ấy, nếu không xin phép và được phép thì đều bị coi là vi phạm pháp luật, và có thể bị bắt hay bị tù. Như vậy làm sao bảo được là Việt Nam có tự do tôn giáo? Chẳng lẽ cuộc tranh đấu của nhân dân ta suốt thế kỷ qua, tốn hàng triệu nhân mạng và gây đau khổ cho nhân dân cả nước lại chỉ đạt được một thứ tự do kém hẳn các nước khác trên thế giới? Như vậy có đắt giá quá mức không?
Tại sao lại… cứ phải được Nhà Nước công nhận?
Một trong những điểm quái đản của pháp lệnh tôn giáo là: chỉ những tôn giáo nào, hoặc giáo sĩ hay tu sĩ nào được Nhà Nước công nhận thì mới được hoạt động tôn giáo hay truyền đạo. Như vậy chẳng lẽ tôn giáo nào không được Nhà Nước công nhận thì không còn là tôn giáo nữa hay sao? Chẳng lẽ thượng tọa, mục sư hay linh mục nào không được Nhà Nước công nhận thì không còn là thượng tọa, mục sư hay linh mục nữa, và cũng tự nhiên không còn nhu cầu hay bổn phận tôn giáo của mình nữa hay sao? Làm thượng tọa, mục sư hay linh mục mà không thi hành chức năng hay bổn phận của mình là hoằng pháp, truyền đạo, rao giảng giáo lý thì làm thượng tọa, mục sư hay linh mục để làm gì?
Tôi vốn là một con người, nhưng chẳng lẽ nếu Nhà Nước không công nhận tôi là người, thì tôi sẽ không còn là người nữa hay sao? tôi sẽ không còn có những nhu cầu tự nhiên cần phải thỏa mãn của con người nữa hay sao? và không còn được phép làm những gì thích hợp với bản chất con người nữa hay sao? – Hay khi tôi có bệnh, nếu Nhà Nước không công nhận tôi có bệnh thì chẳng lẽ tôi không còn bệnh, không cần uống thuốc hay điều trị nữa, và Nhà Nước có thể dựa vào sự không công nhận đó để cấm tôi uống thuốc và điều trị bệnh hay sao? Thật là phi lý và ngược ngạo!
Chúng tôi xin được hỏi những đảng viên Cộng Sản: nếu một tôn giáo hay một tổ chức nào đó không chịu công nhận các vị là đảng viên đảng Cộng Sản, thì có phải vì thế mà các vị không còn là đảng viên đảng Cộng Sản nữa không? Có phải vì thế mà các vị không còn bổn phận gì đối với đảng nữa không?
Tôi nghĩ rằng một học sinh cấp một cũng nhận ra rằng: nếu là một đảng viên Cộng Sản thực thụ thì cho dù cả thế giới không công nhận, người ấy cũng vẫn là đảng viên của đảng Cộng Sản. Không thể vì người ngoài đảng không công nhận mà người ấy trở thành không còn là đảng viên nữa và vì thế không còn nhiệm vụ gì đối với đảng nữa! Ấy thế mà những người soạn thảo ra pháp lệnh này lại có thể cho rằng một thượng tọa, mục sư hay linh mục mà không được Nhà Nước công nhận thì không còn là thượng tọa, mục sư hay linh mục nữa, nên Nhà Nước có quyền cấm họ thi hành chức năng hay bổn phận tôn giáo của họ! Lý luận sơ đẳng như thế mà cả Quốc Hội Việt Nam không ai nắm được sao?
Những tôn giáo lớn như Phật giáo, Công giáo, Tin Lành, Hồi giáo, v.v… đã xuất hiện và hoạt động trên thế giới cả hàng ngàn năm nay, được thế giới công nhận cũng cả ngàn năm, đang khi đảng Cộng Sản mới chỉ xuất hiện chưa đầy 100 năm! Thế mà nay Nhà Nước Cộng Sản Việt Nam lại đặt ra trò công nhận hay không công nhận tôn giáo này tôn giáo kia, cho phép hoặc không cho phép tôn giáo này tôn giáo hoạt động! Thật là ngạo mạn và ngược đời!
Hay việc đòi hỏi phải được công nhận này là một cách để nghiêm cấm những tôn giáo, hoặc thượng tọa, mục sư, linh mục nào không chịu khuất phục đảng và Nhà Nước? Vì Nhà Nước chỉ cần không công nhận tôn giáo đó là tôn giáo thì tôn giáo ấy lập tức không được hoạt động, hoặc không công nhận ai là thượng tọa, mục sư hay linh mục thì mọi việc thi hành chức năng tôn giáo của người ấy đều trở thành vi phạm pháp luật và có thể vì thế mà bị bắt hay ở tù! Ở những nước tự do, có Nhà Nước nào lại đặt vấn đề công nhận hay không công nhận tôn giáo nào là tôn giáo, hay người nào là thượng tọa, mục sư hay linh mục đâu! Việc công nhận hay không công nhận ấy là do nội bộ của các tôn giáo chứ đâu phải là việc của Nhà Nước! Cũng như việc công nhận hay không công nhận một người là đảng viên Cộng Sản là chuyện nội bộ của đảng chứ đâu phải là việc của người ngoài đảng! Nhà Nước không còn việc gì phải bận tâm nữa hay sao mà lại quơ vào cho mình nhiệm vụ của người khác như thế? Có ai trong các tôn giáo lại thừa việc để nghĩ đến chuyện công nhận hay không công nhận người này người kia là đảng viên Cộng Sản hay không?
May thay việc công nhận hay không công nhận này lại có rất nhiều trường hợp bị phản tác dụng! Có những tôn giáo chính vì được Nhà Nước công nhận và cho phép hoạt động dễ dàng mà bị dân chúng nghi ngờ, tẩy chay, và bị gọi là “tôn giáo quốc doanh”, tức không phải là tôn giáo chính tông mà chỉ một thứ công cụ của Nhà Nước! Có những thượng tọa, mục sư hay linh mục chính vì được Nhà Nước công nhận và đề cao mà bị dân chúng nghi ngờ là sư hổ mang, là mục sư hay linh mục quốc doanh, là tay sai của chế độ, là người được đảng và Nhà Nước cài vào để phá hoại nội bộ Giáo Hội. Nghĩa là họ không phải là những vị thượng tọa, mục sư hay linh mục đích thực hay chân chính. Và đương nhiên trong bụng người giáo dân luôn có sự nghi kỵ và đôi khi khinh bỉ ra mặt những vị tu sĩ này. Trái lại, giáo sĩ hay tu sĩ nào càng bị Nhà Nước phủ nhận và cấm hoạt động thì càng được dân chúng yêu mến, kính phục và coi đó như một dấu chỉ chắc chắn để xác quyết người ấy là giáo sĩ hay tu sĩ chân chính trong tôn giáo của người ấy!
Tại sao người Cộng Sản được tự do tuyên truyền lý thuyết của mình, còn tín đồ các tôn giáo thì không?
Một điều phi lý trong pháp lệnh tôn giáo là mọi hoạt động truyền đạo đều phải xin phép, mà xin phép thì chưa chắc đã được, trong khi người Cộng Sản thì hoàn toàn được tự do tuyên truyền lý thuyết của mình. Chẳng những người Cộng Sản không phải xin phép mới được tuyên truyền, mà họ còn có quyền ép buộc sinh viên học sinh phải học lý thuyết của họ nữa? Như thế có phải là mọi công dân đều bình đẳng trước pháp luật không? Thử hỏi như thế có hợp lý không, khi mà người Cộng Sản chỉ chiếm một tỷ lệ rất nhỏ trong dân chúng (khoảng 2%), còn các tín đồ tôn giáo chiếm tỷ lệ cao hơn rất nhiều (chẳng hạn Phật giáo khoảng 30%, Thiên Chúa giáo 8%, Cao Đài 4%, Hòa Hảo 3%, v.v…)? Sự bất bình đẳng này rõ ràng chứng tỏ Nhà Nước hiện nay là Nhà Nước của người Cộng Sản và vì người Cộng Sản, chứ không phải của nhân dân hay vì nhân dân.
Pháp lệnh sẽ là công cụ để leo thang đàn áp tôn giáo
Trước đây, những luật lệ về tôn giáo chỉ được quy định bởi các Nghị quyết của Đảng, các Nghị định của Thủ tướng chính phủ hay của Uỷ Ban Tôn Giáo trung ương, bây giờ luật lệ về tôn giáo đã được chính thức ban hành bởi Quốc Hội, và được gọi là “Pháp lệnh tín ngưỡng, tôn giáo”. Khi chưa có pháp lệnh tôn giáo - nghĩa là khi chưa có những quy định chính thức của quốc hội, chỉ có những quy định của các cơ quan thấp hơn - mà đã có rất nhiều sinh hoạt tôn giáo chính đáng bị coi như bất hợp pháp và bị công an đến phá đám, ép buộc giải tán. Vậy thì sau khi có pháp lệnh tôn giáo, công an sẽ leo thang trong việc phá đám và đàn áp các sinh hoạt tôn giáo đến mức nào!?
Chưa có pháp lệnh tôn giáo, nghĩa là chưa có sinh hoạt tôn giáo nào bị quốc hội chính thức coi là bất hợp pháp, là vi phạm pháp luật, thế mà biết bao lần những buổi nhóm họp để cầu nguyện của các Hội Thánh Tin Lành tại rất nhiều nơi đã bị công an đến phá đám, dẹp bỏ, đồng thời bắt bớ và bỏ tù những người đứng tổ chức cầu nguyện. Chưa có pháp lệnh tôn giáo mà tại Sơn La, Lai Châu, Tây Nguyên, và nhiều vùng khác, biết bao lần công an đã tịch thu các sách Thánh Kinh, sách kinh và sách giáo lý của các tín hữu Công Giáo, và cấm không được tụ tập để cầu nguyện rồi! Không hiểu khi pháp lệnh này bắt đầu có hiệu lực, việc đàn áp tôn giáo sẽ leo thang đến mức nào? Từ trước đến nay các tôn giáo đã bị đàn áp “te tua” đến mức không chịu nổi, không biết sau khi Nhà Nước huy động lực lượng đến cả quốc hội, là cơ quan lập pháp cao nhất nước - để ra một pháp lệnh hạn chế quyền tự do tôn giáo một cách chính thức và long trọng như thế, thì tôn giáo sẽ bị đàn áp đến mức độ nào?
***
Do đó, chúng tôi đồng lập trường với Đức Hồng Y Phạm Minh Mẫn khi ngài công khai phát biểu: “Đừng nên ban hành Pháp Lệnh này thì hơn!” Và chúng tôi rất mong Nhà Nước rút lại pháp lệnh này. Việc thực hiện pháp lệnh này sẽ chỉ gây nên những cuộc tranh đấu mạnh mẽ hơn cho tự do tôn giáo ở trong nước! Và chính quyền sẽ lại phải bỏ ra thêm biết bao công lao để bắt bớ và bỏ tù thêm biết bao người dân vô tội nữa! Hơn nữa, pháp lệnh này còn cho thấy quốc hội, những người soạn thảo và ban hành nó, chỉ gồm toàn những người chẳng biết lẽ phải là gì, chẳng hề tranh đấu cho quyền lợi của dân, mà là một công cụ ngoan ngoãn chỉ biết làm theo lệnh Đảng, hùa theo Đảng để đàn áp dân, và chẳng còn phân biệt được điều gì hợp lý điều gì phi lý, điều nào là ích nước điều nào là hại dân!
Chúng tôi cũng xin tất cả những ai thiện chí trên thế giới, đặc biệt các tín đồ tôn giáo trong nước cũng như hải ngoại, hãy lên tiếng mạnh mẽ để đòi buộc Nhà Nước CSVN phải thật sự tôn trọng quyền tự do tôn giáo, một nhu cầu tự nhiên và cũng là một quyền chính đáng của người dân mà chính Nhà Nước Việt Nam đã long trọng nhìn nhận và cam kết tôn trọng tại Liên Hiệp Quốc. Đây là lời kêu cứu khẩn thiết nhất của chúng tôi.
Việt Nam, ngày 15-8-2004
Lm CHÂN TÍN,
[Trang nhà] [Về MLNQ] [Luật NQ] [Tài liệu] [Báo cáo NQ] [Giải NQVN ] [Diễn đàn] [Liên kết]
|